Đề nghị kiểm toán giá xăng dầu – Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện Quản lý kinh tế trung ương, xăng dầu là mặt hàng có vai trò rất quan trọng, nếu việc điều hành giá được thực hiện tốt sẽ kéo lạm phát giảm rất nhanh.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cách điều hành giá xăng dầu hiện nay không minh bạch, không sòng phẳng với người tiêu dùng. Trước đây, mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới tăng thì các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tiến hành tăng giá xăng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi giá dầu thô thế giới giảm thì giá trong nước giảm một cách nhỏ giọt sau một thời gian dài chần chừ và cân nhắc (?!).
CP muốn hạ nhiệt lạm phát nhưng lại giữ giá xăng? Ảnh minh họa từ internet
“Đáng lẽ, giá xăng dầu trong nước phải giảm từ lâu. Thay vì giảm giá, cơ quan quản lý lại đưa ra chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này hay lập quỹ bình ổn giá xăng. Nhưng rồi khi giá xăng dầu ở mức cao thì chẳng thấy ai sử dụng quỹ bình ổn cả (?)”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc giảm 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu vào thời điểm hiện nay là cách hành xử thiếu tính nhất quán và không giữ cam kết lúc đầu của các doanh nghiệp, cũng như bộ Tài chính đối với người dân. Theo ông Doanh, Chính phủ nên có giải thích cụ thể về giá xăng dầu cho người dân hiểu, đặc biệt là trong lúc kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. “Ngay cả doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu còn không biết lý do giảm thì thử hỏi làm sao người dân có thể chấp nhận?”, TS. Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.
Thực tế, các chuyên gia đều nhận định, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay giá xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường do cơ chế cạnh tranh thị trường chưa đầy đủ, cả về bán buôn và bán lẻ. Sau quyết định 187, nghị định 54 và nghị định 55/2007/NĐ-CP là nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 15.12.2009.
Theo nghị định 84, doanh nghiệp có quyền tăng giá xăng dầu cứ mười ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12 % thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7 – 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp được quyền sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của bộ Tài chính (chỉ được dùng quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%). Tuy nhiên, quỹ bình ổn xăng dầu hiện rất mơ hồ, mặc dù người dân vẫn phải đóng góp đều đặn trên mỗi lít xăng, dầu.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nên kiểm toán giá xăng dầu để có sự minh bạch hơn. Ảnh: Ba Xàm
Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do Nhà nước quyết định. Theo TS. Doanh, nghị định 84 ra đời được coi là bước tiến lớn trong việc quản lý thị trường xăng dầu khi cơ chế giám sát minh bạch hơn và tạo sự chủ động cao hơn cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường song không thể thiếu bàn tay hữu hình của Nhà nước.
Tuy nhiên, gần đây cơ chế mới về quản lý giá xăng dầu đạ được ban hành với giãn cách điều chỉnh không ngắn hơn 3 tháng/lần thay vì 10 ngày/lần như quy định trong nghị định 84. Điều này đã tạo cơ hội cho giá xăng, dầu trong nước trụ ở mức cao trong một thời gian dài khi giá thế giới giảm sâu. Việc tăng giá thì khỏi phải bàn, khỏi phải nhắc. Giá thế giới mà rực rịch tăng là ngay lập tức doanh nghiệp kêu ngay…
TS. Lê Đăng Doanh nhận định, điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt rất nhiều, đồng thời gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam, vì xăng dầu là mặt hàng trọng yếu của xã hội. “Nên chăng cần có cơ chế giám sát và chế tài buộc doanh nghiệp hạ giá khi giá thế giới giảm nhanh và sâu”, TS. Doanh đề xuất.
Trước những ẩn số của các doanh nghiệp xăng dầu, cũng như cách điều hành không minh bạch của cơ quan quản lý, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nên có kiểm toán giá xăng dầu, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và tổ chức một cuộc hội thảo để mổ xẻ vấn đề này.