"Trung Quốc đang thử thách, khiêu khích và chờ đợi sự mất bình tĩnh của chúng ta ", tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đánh giá về sự kiện tàu ViKing II bị cắt cáp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Tại Đối thoại an ninh khu vực Shangri La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc liên tục nhắc đến "hòa bình". Vậy tại sao, vừa trở về, họ đã tiếp tục có hành động phá hoại tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam?
- Dư luận trong nước và quốc tế vừa qua đã có tiếng nói khá mạnh mẽ. Riêng tiếng nói chính thức Việt Nam rất cương quyết. Các nước Philippines, Malaysia cũng thế. Về mặt nguyên tắc, Mỹ vẫn thể hiện thái độ của mình, không từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông. Nhưng về mức độ, so với tuyên bố năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate không mạnh mẽ bằng.
Trong khi đó, trước khi xảy ra vụ cắt cáp của tàu Bình Minh 2 cũng như trước hội nghị Shangri La, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã có hàng loạt chuyến công du lobby ngoại giao để tạo thuận lợi cho những hành động trên thực địa. Và với tuyên bố không đủ mạnh của các bên dẫn đến việc Trung Quốc mạnh dạn phớt lờ dư luận.
- Với việc liên tiếp uy hiếp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc đang muốn gì, thưa ông?
- Sự kiện tàu Trung Quốc phá cáp của Viking II ngày 9/6 là một bước trong loạt hành động của Trung Quốc trong việc tìm cách cản phá việc thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Điều này tôi có thể hình dung và phán đoán khi xâu chuỗi các hành động đối với các nước trong khu vực. Chỉ trong vòng nửa tháng, các tàu Trung Quốc từ hải giám, ngư chính đến tàu cá đã hai lần ngang ngược xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam để tấn công, phá hoại cáp thăm dò trên các tàu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc còn dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam và nhiều lần xâm phạm chủ quyền của Philippines.
Mục đích của họ không thay đổi về chiến lược đó là là hành động để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò. Tuy nhiên, với hành động cụ thể lần này, Trung Quốc tiếp tục thử thách phản ứng của Việt Nam, thử thách các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Với các hành động cụ thể vừa rồi với Bình Minh 02 và Viking II, ý đồ trước mắt của họ là đánh vào kinh tế, quan hệ kinh tế và sự hợp tác làm ăn giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài, phát lời cảnh báo với các đối tác đang, hoặc có ý định làm ăn với Việt Nam. Họ đánh vào quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước. Đây là hành động tính toán cực kỳ kỹ lưỡng.
Trong thời gian tới Trung Quốc không dừng lại mà sẽ còn tiếp tục có những hoạt động mạnh hơn như tiến tới khoan thăm dò sau khi đã phân lô trên Biển Đông, đặt giàn khoan trên biển. Tất cả là nhằm hợp thức hóa yêu sách về chủ quyền trên biển.
- Trung Quốc biết rõ tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam có tàu bảo vệ, vì sao họ vẫn phá rối?
- Có nhiều lý do, nhưng dưới góc độ thực tế họ tính toán tới lực lượng sức mạnh tại chỗ trong thời điểm đó. Khi hành động, đối đầu trực diện thì họ tính tới sự bảo vệ của mình với tàu thăm dò. Nếu sự bảo vệ không đủ, họ sẽ mạnh dạn quấy phá. Thứ hai là thời điểm tiến hành, họ tính toán lúc thuận lợi nhất để cho tàu cá chạy vào khu vực ta đang thăm dò.
Việc dẫn theo 2 tàu kiểm ngư, trong đó có tàu 311 có trọng tải tới hơn 4.000 tấn chứng tỏ không hề ngẫu nhiên. Họ tính rất kỹ, nấp dưới danh nghĩa dân sự nhưng tôi cho rằng đó là lực lượng quân sự nấp dưới vỏ bọc dân sự, hành chính. Trung Quốc có sức mạnh, nhưng về lý, về lẽ phải họ không có.
- Theo ông, Việt Nam cần có hành động và thái độ như thế nào sau tàu Viking 2 và tàu Bình Minh liên tiếp bị uy hiếp?
- Trung Quốc đang quấy phá, tạo ra sự tranh chấp, dựng lên tranh chấp để cố chứng tỏ với thế giới rằng họ có lợi ích ở đây và cần đàm phán với họ. Đấy là điểm cốt yếu chí tử của họ khi áp đặt ý chí chủ quan nhưng không có cơ sở gì về đường lưỡi bò.
Trước những hành động cụ thể như trong vụ tàu Viking II thì chúng ta nên biến tuyên bố về nguyên tắc - những gì mình nói với thế giới - thành những việc làm cụ thể. Ví dụ như yêu cầu Trung Quốc bồi thường; lập thủ tục hồ sơ để đưa ra cơ quan tài phán quốc tế và có tiếng nói chính thức lên Liên Hợp quốc.
Chúng ta cũng cần nói rõ với các nước trong khu vực, nói với các nước lớn có lợi ích trên Biển Đông. Tức là mình phải tiến thêm một bước cụ thể hơn nữa chứ không chỉ có tuyên bố về nguyên tắc.
- Có ý kiến cho rằng, các nước ASEAN đang tự làm suy yếu mình vì không đưa ra tuyên bố chung trước những hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông nghĩ sao?
- Từ trước tới nay Trung Quốc vẫn dùng chiêu bài "song phương" đối với các nước ASEAN để đánh lẻ, bẻ từng chiếc đũa. Họ nhằm vào từng nước để lôi kéo hoặc phá rối mối liên kết nội khối. Rõ ràng, họ vẫn tiếp tục, không muốn đàm phán đa phương, quốc tế hóa. Nếu các quốc gia ASEAN sơ hở, Trung Quốc sẽ lợi dụng.
Tôi cho rằng, sau hành động lần này của Trung Quốc, với tư cách là một bên ký tuyên bố DOC, khối ASEAN cần có chung tiếng nói đủ rắn mà không phải chờ tới cuộc họp thường kỳ nào. Một tuyên bố chung là rất có ý nghĩa vào lúc này để nói lên ý chí, sự thống nhất của khối. Chỉ với sự thống nhất, các nước lớn có mối quan tâm về an ninh khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ... mới có cách tiếp cận chính thức với những bất ổn trên biển Đông.
- Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có hành động cứng rắn hơn nữa trước sự xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc. Quan điểm của ông thế nào?
- Hành động của Trung Quốc là sự thử thách, khiêu khích. Họ chờ đợi sự mất bình tĩnh của chúng ta. Thậm chí, có thể họ đã tính đến việc mình không kiềm chế được và nổ súng trước vào các lực lượng mang vỏ bọc dân sự của họ.
Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước chúng ta đã có những thời điểm tương tự như hiện nay. Trung Quốc đang thử thách lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng từ phía các lực lượng của Việt Nam. Chỉ cần mình mất tỉnh táo, bình tĩnh, sử dụng vũ lực thì họ sẽ lấy cái cớ đó để tiến hành các hoạt động ở mức độ quân sự.
Cái quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, kiềm chế, tiếp tục hành xử theo đúng quy định, thủ tục pháp lý. Nếu mình làm đúng như vậy thì lẽ phải thuộc về mình, không có gì phải sợ.
"Tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ". Ảnh: Nguyễn Hưng.]"Tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Nếu các lực lượng mang vỏ bọc dân sự của họ tiếp tục phá hoại, chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống tiếp theo như thế nào?
- Điều cần khẳng định đầu tiên là chúng ta nhất định không được vì sự quấy phá, xâm phạm của Trung Quốc mà ngừng các hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền của mình. Nếu dừng lại, chúng ta sẽ rơi vào thế yếu, tạo cớ cho Trung Quốc rêu rao trên các diễn đàn thế giới cũng như với dư luận Trung Quốc về thứ chủ quyền mà họ vẽ ra.
Còn nếu họ tiếp tục phá, ta phải có cách ngăn cản theo đúng thủ tục pháp lý. Ví dụ trong trường hợp Viking II thì các lực lượng của Việt Nam hoàn toàn có quyền bắt giữ tàu cá, dẫn độ vào bờ, làm đúng thủ tục và đưa ra xét xử tại tòa án. Công ước Luật biển 1982 đã nói rõ điều đó, có điều phải tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ.
http://vitinfo.vn